Sâm Ngọc Linh (tên khoa học là Panax Vietnamensis) là thảo dược quý hiếm có hàm lượng saponin cao nhất, thành phần ginsenoside nhiều nhất trong các loại nhân sâm trên thế giới. Việt Nam là nơi phân bố loại cây này duy nhất trên thế giới.
Thân rễ và rễ củ sâm Ngọc Linh chứa đến 52 hợp chất saponin có tính kháng khuẩn, kháng ung thư, axít béo… Trong đó, một nửa (26) hợp chất saponin có ở các loại sâm Triều Tiên, Mỹ, Nhật, Trung Quốc; 26 hợp chất saponin còn lại có cấu trúc mới, không thấy trong các loại sâm khác.
Sâm Ngọc Linh – loài cây quý hiếm và đắt đỏ bậc nhất Việt Nam
Nhiều nghiên cứu đã khẳng định sâm Ngọc Linh là loài thảo dược giá trị cao ở Việt Nam, đã được chứng minh có tác dụng tăng cường hiệu quả hệ miễn dịch, trí nhớ, kháng viêm, chống căng thẳng, chống ung thư và ngăn ngừa lão hóa. Thân rễ và củ sâm được sử dụng làm thuốc chữa bệnh, còn lá và thân thì được dùng làm trà sâm.
Sâm Ngọc Linh có tác dụng cực lớn đối với sức khoẻ
Sâm Ngọc Linh như loại kháng sinh tự nhiên nên có tính kháng khuẩn, tiêu viêm, phục hồi tổn thương rất tốt. Với những người cao tuổi, người suy giảm hệ miễn dịch, mắc nhiều bệnh lý nền nếu sử dụng sâm thường xuyên sẽ giúp phục hồi sức khỏe, tăng cường sức đề kháng.
Tại phiên chợ sâm Ngọc Linh và dược liệu miền núi khai mạc sáng 1/8/2024 trong khuôn khổ Lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ VI năm 2024, giá sâm Ngọc Linh, loại củ dao động từ 45-110 triệu đồng/kg tùy độ tuổi của sâm.
Đáng chú ý, Việt Nam là nơi phân bố sâm Ngọc Linh duy nhất trên thế giới. Theo đó, sâm Ngọc Linh chỉ mọc duy nhất tại vùng núi Ngọc Linh, ở độ cao trên 2.000m, thuộc địa phận 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam
Với sự quý hiếm và giá trị dược liệu, sâm Ngọc Linh đã được Chính phủ phê duyệt là sản phẩm mang thương hiệu quốc gia, là “quốc bảo” của Việt Nam và đưa vào danh mục cấm khai thác, thuộc 250 loài quý hiếm trong sách đỏ.
Với tiềm năng và giá trị của sâm Ngọc Linh, để phát triển một ngành công nghiệp trồng và chế biến sâm Ngọc Linh thực thụ của Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phát triển sâm Việt Nam (chủ yếu là sâm Ngọc Linh) đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, theo Quyết định số 611/QĐ-TTg ngày 6/6/2023.
Vườn ươm bảo tồn giống sâm Ngọc Linh của tỉnh Quảng Nam.
Trong đó, Kon Tum và Quảng Nam được xác định là 2 tỉnh sản xuất sâm Ngọc Linh với quy mô hàng hóa và nằm trong vùng phát triển dược liệu tập trung quốc gia, với 10 loài dược liệu ưu tiên tập trung phát triển.