Giò xào rất dễ làm nhưng cách làm giò xào sao cho ngon, dai giòn sần sật, không bị bể hay bị ngấy và đảm bảo vệ sinh lại để được lâu thì không phải ai cũng biết cách thực hiện.
Giò xào là một trong những món ăn ngon rất được yêu thích trong dịp Tết Nguyên Đán. Giò xào rất dễ làm nhưng cách làm giò xào sao cho ngon, dai giòn sần sật, không bị bể hay bị ngấy và đảm bảo vệ sinh lại để được lâu thì không phải ai cũng biết cách thực hiện. Dưới đây là bí quyết làm giò xào ngon, ai cũng phải tấm tắc khen.
Ngày nay, giò xào là món ăn phổ biến trên nhiều tỉnh thành của cả nước. Phần nguyên liệu làm giò cũng được biến tấu theo nhiều kiểu khác nhau. Có nơi thêm lưỡi lợn, có vùng lại thêm thịt chân giò. Tuỳ vào mỗi gia đình sẽ có cách nêm nếm giò thủ khác nhau. Thế nhưng có một loại gia vị không thể thiếu được đó là nước mắm. Bởi vậy, dù có thay đổi ra sao thì hương vị cua giò thủ vẫn được giữ nguyên. Có cái giòn sần sật của tai lợn, mềm dẻo, béo ngậy của bì và mỡ, cay nồng của tiêu, đậm đà nước mắm và thanh mát từ mộc nhĩ.
1. Nguyên liệu cần chuẩn bị
– Lưỡi heo (lưỡi lợn): 500gr
– Tai heo (tai lợn): 500gr
– Thịt phần chân giò (chân giò trước hoặc sau đều được): 300gr
– Nấm Hương: 100gr
– Mộc nhĩ (Nấm Mèo): 50gr
– Hạt nêm, nước mắm, hành tím và hạt tiêu.
– Lá chuối và khuôn bằng inox dùng để tạo khối khi làm giò xào
2. Cách thức thực hiện
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu món giò xào
– Lưỡi heo, tai heo, thịt chân giò cạo hết lông và đem rửa thật sạch bằng nước muối pha loãng, sau đó rửa lại bằng nước sạch, để ráo. Một mẹo nhỏ bạn có thể áp dụng khi làm sạch lưỡi heo là bạn nên chần sơ qua bằng nước sôi. Điều này sẽ giúp loại bỏ phần màng trắng gây mùi hôi trên lưỡi heo.
– Đun sôi một ít nước với công thức: 1 muỗng canh dấm và 1 muỗng canh muối, sau đó cho tất cả thịt, tai và lưỡi heo vào luộc chín tới. Khi thịt vừa chín tới, vớt ra mang ngâm nước lạnh để tránh tình trạng thịt bị thâm. Đây cũng là một bí quyết để cách làm giò xào của bạn khi ra thành phẩm sẽ có màu đẹp, giò sẽ tươi và ngon.
– Nấm hương và mộc nhĩ ngâm với nước ấm khoảng 3 phút, sau đó rửa sạch, để cho ráo thì đem ra cắt nhỏ.
– Hành tím bóc bỏ vỏ, rửa sạch, đập dập và cắt nhỏ.
– Lá chuối, khuôn sắt rửa sạch để ráo.
Bước 2: Thái tai, lưỡi thành miếng
Khi thịt, tai và lưỡi heo đã nguội, đem cắt thành miếng mỏng, có độ dày vừa đủ. Sau đó ướp thêm 1 chút hạt nêm, 1 chút nước mắm, trộn đều, để khoảng 20 – 30 phút cho gia vị ngấm đều vào thịt.
Bước 3: Xào
Cho chảo lên bếp, để nóng, sau đó cho 1 ít dầu ăn vào tráng đều chảo. Khi dầu nóng, cho hành tím đã được cắt nhỏ vào phi lên cho thơm và cho thịt vào xào. Bạn nhớ là cho lửa vừa và đảo đều tay để thịt được chín đều. Trong quá trình xào thịt, bạn cho thêm một chút mắm vào và nêm nếm sao cho vừa ăn là được.
Tiếp tục đảo đều tay trong khoảng 10 phút là thịt săn lại, lúc này, bạn cho tiếp mộc nhĩ và nấm hương đã được cắt nhỏ vào xào cùng. Khi thịt bắt đầu cháy cạnh là có thể tắt bếp và cho một chút tiêu vào trộn đều lên là được.
Một điều cần lưu ý để cách làm giò xào được chuẩn hơn là bạn không nên xào quá kĩ, vì như vậy sẽ làm giò bị khô, sẽ khó đảm bảo được độ giòn và béo khi ăn.
Bước 4: Gói giò bằng lá chuối
Để làm lá chuối mềm hơn giúp cuốn thịt dễ dàng thì bạn nên hơ nhanh lá chuối trên lửa nhỏ. Khi thịt được xào xong vẫn còn nóng hổi, bạn đổ thịt ra lá chuối đã được trải sẵn sàng rồi gói lại. Bạn nhớ cố định thịt thật chặt và dùng lạt hoặc dây nilon cột lại cho thật chắc.
Tiếp theo là bước ép giò vào khuôn, bạn cho gói thịt đã được bọc kỹ vào khuôn inox, sau đó dùng thớt gỗ hoặc chày để nén giò thật chặt trong khuôn. Với cách làm này, cây giò sẽ được nén chặt cầm rất chắc tay và bạn có thể để lâu mà không sợ bị hư.
Nếu không thích gói bằng lá chuối, bạn cũng có thể sử dụng chai nhựa để làm khuôn cho giò xào cũng rất tiện dụng. Cách làm giò xào bằng chai nhựa cũng tương tự như trên. Bạn chỉ cần bỏ qua công đoạn gói lá chuối bằng cách đổ thịt xào trực tiếp vào chai nhựa, sau đó nén lại thật chặt.
Để bảo quản giò xào được lâu, bạn nên để trong ngăn mát của tủ lạnh. Thời hạn dùng có thể lên đến 1 tuần nếu được bảo quản một cách kỹ lưỡng. Khi ăn, miếng giò phải có mùi thơm của thịt, của nấm. Khi cắn vào miếng giò sẽ thấy vị béo ngậy và giòn mà không bị dai hoặc bị khô.