Không chỉ ngon miệng, khoai sọ còn là vị thuốc giúp giảm sưng đau, tiêu viêm

171

Khoai sọ là một loại thực phẩm được dùng nhiều trong chế biến món ăn. Không chỉ ngon miệng, khoai sọ còn mang lại nhiều lợi ích sức khỏe.

Đặc điểm và công dụng của khoai sọ

Trong Đông y, khoai sọ còn được gọi là dụ căn, dụ đầu, dụ nãi,… Tên khoa học của khoai sọ là Colocasia antiquorum Schott., thuộc họ Ráy (Araceae).

 

Loại củ mọc dại thường có màu tím, ăn thì phá khí, không bổ. Còn khoai sọ được trồng có bột màu trắng dính, vị ngọt hơi the, trơn nhớt. Các giống khoai sọ được trồng ở nước ta có thể kể đến như:

– Giống khoai đốm: Cây cao, có thể trồng trên cạn hoặc dưới nước, củ ăn rất ngứa.

– Giống mống riềng: Cây cho năng suất cao nhưng ăn ngứa.

– Giống mống hương: Cây nhỏ, thường trồng ở đồng màu, củ màu phớt hồng hoặc vàng nhạt, ăn ngon.

Nhìn chung những cây khoai sọ trồng ở ruộng không thoát nước thường ngứa. Vì vậy, người dễ bị dị ứng khoai sọ, trước khi gọt vỏ không nên rửa khoai với nước. Có thể dùng găng tay thực phẩm để làm sạch chúng.

– Củ khoai sọ: Có vị cay ngọt, tính bình, lợi về 3 kinh tỳ, vị, đại tràng. Củ có tác dụng thông đại tiện, nhuận tràng, tiêu u hạch ở cổ, tán khối kết; chủ trị chữa các chứng bạch huyết, bỏng lửa, viêm thận, hạch, khối u, viêm khớp, thũng độc sưng đau,…

– Lá khoai sọ: Có vị cay, tính mát; Tác dụng chữa tiêu thũng độc, cầm mồ hôi, tiêu chảy; Chủ trị chữa thũng độc, ung nhọt, đạo hãn (ra mồ hôi khi ngủ, mồ hôi trộm), tự hãn (ra mồ hôi khi thức), tiết tả,…

– Cuống lá – dọc khoai môn: Tính vị giống như lá, tác dụng tiêu thũng, hòa tỳ (điều hòa chức năng tiêu hóa), lợi thủy; Chủ trị chữa thũng độc, kiết lỵ, tiêu chảy,…

– Hoa khoai sọ: Có vị the, tính bình, có độc; Thường dùng để chữa sa trực tràng, trĩ sang lở loét, sa tử cung, thổ huyết, đau dạ dày,…

Nghiên cứu của y học hiện đại cho thấy khoai sọ chứa hơn 17 loại acid amin cần thiết cho cơ thể. Khoai sọ còn chứa hàm lượng vitamin C và B6 dồi dào giúp cơ thể tăng đề kháng, chống lão hóa. Nhờ chứa nhiều kali nên khoai sọ giúp kiểm soát huyết áp.

Lượng chất xơ dồi dào trong khoai sọ đáp ứng được 27% lượng chất xơ cơ thể cần mỗi ngày giúp nhuận tràng, thải độc và làm giảm lượng cholesterol xấu trong cơ thể. Bên cạnh đó, khoai sọ còn chứa omega-3 và 6 rất tốt cho tim mạch, ngăn ngừa bệnh,…

Các bài thuốc từ khoai sọ

– Chữa tiêu chảy, lỵ: 30g lá khoai sọ, 30g cà rốt, 5g tỏi. Sắc uống.

– Chữa yết hầu sưng đau: 20g khoai sọ, 50g rễ kỷ tử. Đem sắc uống mỗi ngày 1 lần, liên tục 2-3 tháng cho bệnh nhân bị u bước vùng hầu họng.

– Chữa mề đay: 60g bẹ lá khoai sọ, 30g rễ cây tai chuột, 30g hồng táo, 30g đường đỏ. Sắc uống.

– Trị rắn cắn, ong đốt: lấy lá khoai sọ tươi giã nát rồi đắp vào chỗ đau.

– Chữa phong tê thấp sưng đau: lấy một lượng khoai sọ và gừng tương đương nhau, giã nhuyễn đắp vào chỗ đau rồi dùng băng dính cố định lại. Mỗi ngày thay thuốc 1-2 lần.

Bạn có thể gia giảm tùy theo thời tiết và cơ địa. Chẳng hạn vào mùa hè, người tạng nhiệt, đau nhức do nhiệt có thể dùng 3-4 phần khoai sọ và 1 phần gừng hoặc 2 phần khoai sọ 1 phần gừng. Vào mùa đông người tạng hàn, đau do lạnh có thể dùng 1 phần khoai sọ, 2 phần gừng hoặc dùng 2 phần khoai sọ và 3 phần gừng.

– Chữa vết thương phần mềm, sưng phù nề bầm tím: 120g khoai sọ, 3 củ hành sống. Giã nát khoai sọ, thêm vào một chút rượu rồi trộn đều, dùng bôi đắp qua gạc mỏng trên chỗ đụng giập do chấn thương.

– Chữa mụn nhọt, đầu đinh: Chuẩn bị liều lượng khoai sọ tươi và giấm bằng nhau. Đun sôi và nghiền nát thành bột nhuyễn, đắp vào nơi tổn thương.

Những lưu ý khi sử dụng khoai sọ

– Dùng củ con làm thuốc có tác dụng tốt hơn củ cái.

– Thuốc sau khi làm xong cần dùng ngay mới có tác dụng.

– Dược tính tự nhiên của khoai sọ cần nhiều thời gian hơn nên người bệnh cần kiên trì trong quá trình sử dụng để chữa bệnh.