Cây vông vang có những bông hoa to, màu vàng rực rỡ. Loài cây này thường mọc hoang nơi ven đồi, ven suối, đôi khi được trồng làm cảnh trong vườn nhà. Cây cho lá, hoa, rễ và hạt để làm thuốc theo kinh nghiệm dân gian. Ngày nay các thầy thuốc y học cổ truyền đã sử dụng vông vang trong trị bệnh.
Cùng tìm hiểu về tác dụng và những bài thuốc chữa bệnh từ cây vông vang.
I. TÊN GỌI
- Tên tiếng Việt: cây Vông vang, cây Vang, cây Bụp vang…
- Tên khoa học: Abelmoschus moschatus
- Họ: Malvaceae (tức họ Cẩm quỳ)
II. MÔ TẢ ĐẶC ĐIỂM CÂY VÔNG VANG
Vông vang hay còn gọi là cây vang là loài cây thân thảo sống nhiều năm.
Hình ảnh Cây vông vang
Thân cây thẳng, có chiều cao khoảng từ 80cm đến 1,5m, đôi khi cây cao tới hơn 2m. Phần thân từ gốc đến giữa thân cây có màu đỏ tía, phần từ giữa thân cây đến ngọn có màu xanh non. Toàn bộ thân cây được bao phủ một lớp lông mỏng, mịn màng.
Lá cây vông vang mọc so le. Cuống lá khá dài mọc ra từ thân cây và các nhánh. Phiến lá cây vang xẻ hình chân vịt, có 3 thùy màu xanh lục. Mép lá xẻ hình răng cưa. Hệ gân nổi bật trên 3 thùy lá tựa như chân vịt. Bao phủ toàn bộ các mặt lá là một lớp lông mỏng.
Hoa cây vông vang trổ ra từ nách lá. Loài hoa này khi xòe cánh có màu vàng, hình dạng giống loa kèn, phần giữa bông hoa có màu nâu tím. Mỗi bông hoa có kích thước khá lớn, đôi khi có bông dài tới 6cm.
Quả vông vang trông như hình bầu dục, phần đuôi quả hơi nhọn. Chiều dài của quả khoảng từ 3cm đến 5 cm. Vỏ ngoài của quả cứng và phủ nhiều lông nhám. Bên trong quả chứa nhiều hạt mầu đen, mỗi hạt có hình dạng tựa quả thận nhỏ hoặc trông như những hạt đỗ đen.
III. CÂY VÔNG VANG SỐNG Ở ĐÂU?
Các nhà khoa học trên thế giới đã chỉ ra cây vông vang có nguồn gốc lâu đời từ Ấn Độ. Sau đó, cây vang đã được di thực tới nhiều đất nước để làm thuốc và chiết xuất lấy tinh dầu vông vang.
Tại Việt Nam, cây vông vang chủ yếu là mọc hoang ở rìa các đồi núi, nơi ven suối hoặc các hồ đập có đất ấm. Đôi khi thấy người ta trồng vông vang làm cảnh trong sân nhà bởi hoa của nó đẹp, màu sắc sặc sỡ. Cây vông vang được tìm thấy nhiều ở các tỉnh miền Tây Bắc Việt Nam, ở đồng bằng ít thấy.
IV. BỘ PHẬN LÀM DƯỢC LIỆU
Cây vông vang cho bộ phận lá, hoa và rễ để người dân thu hái làm dược liệu. Đôi khi có thấy người ta dùng hạt cây vông vang làm thuốc nhưng không phổ biến.
V. THU HÁI VÀ BẢO QUẢN
Người dân thu hái phần lá, rễ của cây vang quanh năm. Có thể dùng tươi hoặc phơi (sấy) khô dùng dần.
Đối với hoa vông vang, người dân thường thu hái vào mùa hè. Hạt thu hoạch vào mùa thu. Cả lá và hạt đều có thể dùng tươi hoặc phơi khô.
Hoa vông vang khô
Cần phải bảo quản dược liệu này trong lọ kín hoặc tốt nhất là túi ni lông kín, để nơi khô ráo, thoáng mát, không để ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp, tránh nơi ẩm ướt.
VI. THÀNH PHẦN HÓA HỌC
Qua nghiên cứu, ngày nay các nhà khoa học đã chỉ ra trong cây vông vang có chứa một chất dầu vông vang màu vàng và một số các thành phần hóa học. Các thành phần hóa học trong cây vông vang bao gồm: acid palmitic, acid linoleic, farnesol, terpen, flavonoid, canabistrin, myricetin.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng đã chiết xuất hạt vông vang. Họ đã chỉ ra trong hạt của loài cây này có loại tinh dầu xạ hương. Bởi thế nên hạt vông vang được chiết xuất tinh dầu dùng trong bào chế các loại mỹ phẩm.
VII. TÁC DỤNG
Tác dụng dược lý trong y học hiện đại
Các nhà khoa học đã tiến hành nhiều thí nghiệm lâm sàng nhằm đưa ra những tác dụng của dược liệu vông vang. Nhìn chung, theo các nhà khoa học hiện đại, dược liệu vông vang có tác dụng:
– Hạ sốt
– Lợi tiểu
– Chống cho thắt
– Nhuận tràng
– Sát trùng.
Dưới đây là một số nghiên cứu khoa học về cây vông vang:
Tại Đài Loan, các tác giả đã tiến hành thí nghiệm trên chuột. Họ dung dịch chiết xuất từ cây vông vang cho chuột béo phì. Kết quả thu được là dung dịch này đã cải thiện độ nhạy cảm với Insulin đối với chuột béo phì trong thí nghiệm. Ngoài ra, các tác giả cũng đã đặt ra vấn đề: sử dụng cây vông vang như một trong những nuyên liệu để trị bệnh đái tháo đường.
Cũng tại Đài Loan, một nhóm các nhà khoa học đã tiến hành thí nghiệm: dùng dịch chiết xuất từ cây vông vang cho chuột để tìm ra tác dụng của cây vông vang đối với đường huyết. Nghiên cứu này đã đem lại kết quả tốt chứng minh tác dụng hạ đường huyết của thảo mộc vông vang. Cụ thể sau khi tiêm dịch chiết xuất từ vông vang cho chuột bình thường được chọn thí nghiệm theo đường tĩnh mạch, chất này đã làm làm giảm đáng kể sự gia tăng glucose huyết tương ở chuột bình thường.
Ngoài ra, tại đất nước Ấn Độ, nơi được cho là nguồn gốc của cây vông vang, các nhà nghiên cứu nơi đây đã tìm thấy tác dụng chống ô xy hóa và tính kháng khuẩn của chiết xuất của cây vông vang.
Tác dụng của vông vang trong y học cổ truyền
Cây vông vang được sử dụng làm vị thuốc trong y học cổ truyền dân tộc Việt Nam. Theo đó, vông vang là vị thuốc được làm từ lá và hoa vông vang. Dược liệu này có vị hơi ngọt, tính mát. Nếu dùng tươi sẽ cảm nhận được lá vông vang có vị nhạt, nhớt và mát.
Trong y học cổ truyền, các thầy thuốc đã chỉ ra vị thuốc vông vang có tác dụng: lợi thấp, thanh nhiệt, tiêu thũng, bạt độc, bài nung, chỉ thống, hoạt thai. Dùng vông vang để trị các chứng bệnh:
– Nhức mỏi xương khớp, viêm khớp gây sưng nóng đỏ đau
– Sỏi niệu
– Mụn nhọt ngoài da
– Táo bón, viêm loét dạ dày tá tràng
– Co quắp cơ do động kinh
– Bỏng da
– Rắn cắn
– Đau đầu.
Ngoài ra, cũng có tài liệu ghi nhận, người dân Trung Quốc, dùng cây vông vang trị các bệnh như: sỏi niệu đạo, bệnh lỵ amip, chứng sản hậu gây tắc tuyến sữa, sốt cao, ho…
Tác dụng của dược liệu vông vang
VIII. CÁCH DÙNG VÀ LIỀU DÙNG
Ở Việt Nam, dược liệu vông vang được dùng trong y học cổ truyền với liều: Rễ cây khoảng 10-15 gram/ngày, Lá cây khoảng 20-40 gram/ngày, Hạt khoảng 10-12 gram/ngày.
Cách dùng vông vang: Sắc uống, dùng ngoài giã nát
IX. NHỮNG BÀI THUỐC TRỊ BỆNH TỪ VÔNG VANG
Vông vang là thảo mộc quý trong thiên nhiên. Dược liệu này được nhân dân sử dụng rộng rãi theo kinh nghiệm dân gian và còn được sử dụng trong y học cổ truyền. Nhiều bài thuốc từ cây vông vang đã được các thầy thuốc y học cổ truyền sử dụng hiệu quả, tác dụng đã được chứng minh qua thực nghiệm lâm sàng. Sau đây người viết xin được giới thiệu tới bạn đọc một số bài thuốc trị bệnh hay từ cây vông vang. Kính mời bạn đọc tham khảo và đối chiếu.
Bài 1: Rễ vông vang trị chứng tiểu đục
Tìm lấy cây vông vang 1 năm tuổi rồi đào rễ rửa sạch. Đem rễ này giã nát, vắt lấy khoảng 1/3 nước, phơi sương qua 1 đêm rồi dùng ngay trong buổi sớm mai khi bụng còn rỗng.
Bài 2: Chữa bệnh đái dắt và có thai lậu nhiệt
Lấy các vị thuốc mộc thông, hạt vông vang, và hoạt thạch với lượng đều nhau. Trộn đều các vị rồi tán thành bột mịn. Mộc thông, hạt vông vang và hoạt thạch bằng lượng nhau. Dùng ngày 1 lần khoảng 12 gram uống bột thuốc này với nước hành.
Cũng có thể đem các vị trên mà sắc lấy nước thuốc uống nhiều lần trong ngày.
Bài 3: Chữa chứng chướng bụng, táo bón
Lấy khoảng 20 gram hạt vông vang. Đem rửa sạch rồi sắc lấy nước uống lúc còn ấm nóng. Ngày 1 thang, 3 thang thì dừng.
Bài 4: Chữa mụn nhọt ngoài da
Lấy rễ cây vông vang và rễ cây củ gai lượng bằng nhau. Đem hai vị này rửa sạch rồi để cho ráo nước, sau đó giã nát, lọc lấy nước cốt xoa lên vùng da bị mụn.
Bài 5: Chữa rắn căn
Tìm lấy lá vông vang 50 gram, hạt hồng bì 20 gram cùng với lá dây hồng báo 50 gram. Dùng các vị trên rửa sạch, rồi giã nát đắ lên vết rắn cắn. Cũng có thể sao khô các vị trên rồi tán bột mịn rắc lên vết thương.
IX. LƯU Ý KHI SỬ DỤNG VÔNG VANG TRỊ BỆNH
- Không sử dụng vông vang cho trẻ nhỏ, người mang thai và cho con bú.
- Nếu dùng vông vang đắp ngoài da có thể gây dị ứng.
Tóm lại, vông vang là loại thảo mộc có những tác dụng trị bệnh theo kinh nghiệm dân gian và được sử dụng trong y học cổ truyền nước ta. Tuy nhiên các nghiên cứu khoa học về các bài thuốc từ cây vông vang tại Việt Nam chưa được thực hiện. Mọi thông tin từ bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Nếu cần sử dụng vông vang trị bệnh, người đọc cần phải đến khám, tư vấn và có chỉ định của bác sĩ y học cổ truyền. Không tự ý dùng vông vang chữa b:ệnh, gây hậu quả xấu.