Loại cây mọc dại quen thuộc này không chỉ là món ăn ngon mà còn là “thần dược” được thế giới săn lùng.
Theo Lương y Đa khoa Bùi Đắc Sáng, Hội Đông y Hà Nội, rau sam là một loại rau dại, từng được sử dụng phổ biến trong thời kỳ khó khăn. Ngày nay, khi nguồn thực phẩm trở nên phong phú hơn, loại rau này dần bị người dân lãng quên và thường nhổ bỏ.
Ở Trung Quốc, rau sam được ví như “rau trường thọ”, thường được dùng để nấu canh, giúp dưỡng sinh, bồi bổ cơ thể và kéo dài tuổi thọ. Tương tự, người Nhật Bản cũng xem rau sam là thực phẩm quý giá, thường tìm mua để sử dụng với mong muốn kéo dài tuổi thọ.
Không chỉ phổ biến ở các nước Đông Á, rau sam cũng được ưa chuộng tại Ấn Độ, nơi nó được sử dụng để chữa các bệnh về gan, thận và tụy, cũng như điều trị cảm sốt. Ngoài ra, ở nhiều quốc gia châu Âu và châu Mỹ, rau sam được sử dụng như một loại rau ăn và thuốc quý.
Ở nhiều quốc gia châu Âu và châu Mỹ, rau sam được sử dụng như một loại rau ăn và thuốc quý
Ông Sáng cho biết, trong y học cổ truyền, rau sam có nhiều công dụng chữa bệnh mà nhiều người chưa biết đến. Với vị chua, tính hàn, quy kinh can và đại trường, rau sam có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm, lợi tiểu và giảm đau.
Theo TS.BS. Bùi Phạm Minh Mẫn từ Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (Cơ sở 3), một số nghiên cứu đã cho thấy rau sam có khả năng chống viêm, giúp giảm triệu chứng viêm nhiễm, cải thiện chức năng tiêu hóa và ngăn ngừa táo bón.
Rau sam là loại rau giàu dinh dưỡng, chứa nhiều loại vitamin như vitamin A, C, E, giúp tăng cường hệ miễn dịch. Ngoài ra, rau sam còn chứa các khoáng chất có lợi như canxi, magie, kali và sắt. Đặc biệt, rau sam còn chứa Omega-3, một loại chất béo không bão hòa có lợi cho tim mạch, giúp giảm cholesterol “xấu”.
Rau sam là loại rau giàu dinh dưỡng, chứa nhiều loại vitamin như vitamin A, C, E, giúp tăng cường hệ miễn dịch
TS.BS. Mẫn cũng cho biết, trong y học cổ truyền, rau sam được sử dụng để chữa lở ngứa, kiết lỵ, giun sán và tiểu buốt. Theo các tài liệu y học cổ truyền, liều dùng rau sam thường từ 50-100g rau tươi mỗi ngày. Nếu dùng dưới dạng sắc thuốc, liều lượng có thể là 15-30g rau khô.
Rau sam không chỉ có giá trị trong y học mà còn được sử dụng trong ẩm thực với các món ăn đa dạng như xào, nấu canh, làm nộm. Lương y Bùi Đắc Sáng bổ sung rằng rau sam có thể chế biến thành các món canh bổ dưỡng như canh rau sam với tôm, thịt xay, cháo rau sam, hoặc nộm rau sam. Với vị hơi chua, rau sam rất thích hợp để ăn trong những ngày nắng nóng, giúp làm mát cơ thể.
Rau sam không chỉ có giá trị trong y học mà còn được sử dụng trong ẩm thực với các món ăn đa dạng như xào, nấu canh, làm nộm
Một số bài thuốc từ rau sam:
– Chữa chứng bí tiểu và nhiễm trực khuẩn lỵ: Sử dụng 100g rau sam tươi và 100g cỏ sữa lá nhỏ, sắc nước uống hàng ngày.
– Chữa lỵ ở trẻ nhỏ: Rau sam tươi rửa sạch, giã nát vắt lấy nước cốt, đun sôi rồi thêm một ít mật ong và cho trẻ uống.
– Chữa sốt phát ban gây nổi mẩn trên da: Rau sam tươi rửa sạch, giã nát vắt lấy nước cốt và uống trực tiếp.
– Chữa ngộ độc thuốc: Rau sam tươi rửa sạch, giã nát và vắt lấy nước cốt để uống.
– Chữa đau nhức răng: Rau sam tươi rửa sạch, giã nát và sử dụng nước cốt tươi để ngậm trong miệng.
– Chữa rắn rết và côn trùng cắn: Rau sam tươi rửa sạch, giã nát vắt lấy nước cốt uống, phần bã đắp lên vùng da bị cắn.
– Trị giun kim, giun đũa: Sử dụng 100g rau sam tươi, rửa sạch, giã nát và vắt lấy nước uống.
TS.BS Bùi Phạm Minh Mẫn lưu ý rằng mặc dù rau sam có nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng không nên dùng cho người có tỳ vị hư hàn hoặc người thường bị tiêu chảy do rau sam có tính hàn. Việc sử dụng quá nhiều rau sam cũng có thể gây lạnh bụng và dẫn đến các vấn đề tiêu hóa như tiêu chảy.