Dền gai: Vị thuốc trong vườn nhà

58

Dền gai là loài cây mọc hoang khắp nơi, trong vườn, ngoài bãi, ven đường, quanh các khu dân cư. Nếu biết sử dụng, loài cây dại này sẽ trở thành vị thuốc quý.


Cây rau dền gai.

Những món ăn tốt cho sức khỏe từ rau dền cơm

Để làm thuốc, người ta thu hái cây quanh năm, dùng toàn cây rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô. Có thể đốt thành tro, dùng dần. Cây chứa một tỷ lệ nitrat kali, nhất là ở rễ. Liều thường dùng từ 9-15g khô hoặc 30-60g tươi trong thuốc thang.

Theo Đông y, dền gai có vị ngọt nhạt, tính mát (hoặc hơi lạnh); có tác dụng thanh nhiệt lợi thấp, lương huyết giải độc, thu liễm, cầm máu, tiêu viêm, chữa mẩn ngứa. Nghiên cứu dược lý hiện đại cho thấy dền gai có tính kích thích thực bào, cao nước có tác dụng diệt nấm đối với nấm Cercospora cruenta gây bệnh ở cây.

Theo kinh nghiệm nhân dân, lá và ngọn non dùng luộc ăn như các loại rau dền. Lá dền gai giã nát, thêm nước gạn uống, bã đắp chữa rết cắn, ong đốt, lở ngứa. Toàn cây dùng trị phù thũng, bệnh về thận, bệnh lậu, chữa lỵ có vi khuẩn và làm thuốc điều kinh. Phần cây trên mặt đất được dùng làm thuốc dịu để trị bỏng, đắp tiêu viêm mụn nhọt. Lá có tính long đờm, được dùng trị ho và các bệnh về đường hô hấp. Hạt có thể dùng như hạt cây mào gà đắp để băng bó chỗ gãy xương, đòn ngã ứ huyết. Nhân dân còn dùng hạt và rễ trị bệnh đau tim.

Ở Ấn Độ, Thái Lan, Philippin, Lào, Campuchia, người ta dùng nước sắc rễ làm thuốc lợi tiểu, hạ sốt, điều kinh, chữa bệnh lậu. Ở Ấn Độ, rễ còn được dùng trị chàm, chữa đau bụng, làm lợi sữa. Rễ và lá sắc cho trẻ em uống để nhuận tràng, giã đắp làm dịu da, trị áp xe, mụn nhọt và bỏng; còn dùng trị rắn cắn và cho gia súc bị liệt các chi ăn để chữa bệnh. Ở Malaysia dền gai được dùng để long đờm, làm dễ thở trong viêm phế quản cấp. Ở châu Phi người dân dùng dền gai chữa trĩ.

Đơn thuốc:

– Trật đả, ứ huyết: Dùng cành lá hay toàn cây nấu nước uống, mỗi ngày 10-15g; hoặc thiêu thành tro uống với nước chín hay nước trà, mỗi lần 8-12g.

– Bệnh lỵ: Dền gai tươi 30-60g sắc nước, pha thêm đường đỏ uống. Hoặc sấy khô lá dền gai tán bột, uống với nước sôi nguội 9-15g.

– Lỵ ra máu: Rễ dền gai 20g, Lá huyết dụ 12g, Lá trắc bá 8g, Cỏ mực 8g, Hoa hòe 4g. Tất cả cắt nhỏ, sao vàng, sắc uống.

– Bướu cổ (giáp trạng tuyến thũng đại): Dền gai tươi 90g, Thịt heo nạc 120g, nấu chín rục chia 2 lần ăn.

– Viêm túi mật, sỏi mật: Dền gai tươi 180g, Ruột non heo (rửa sạch mỡ) 180g, thêm nước chưng chín, nêm gia vị chia 3 lần ăn trong ngày, liên tục trong 7 ngày.

– Bạch đới (khí hư): Rễ dền gai tươi 60g, Bạch quả (Ngân hạnh, bỏ vỏ, lấy nhân) 14 quả, sắc uống ngày 1 thang. Hoặc dùng rễ Dền gai khô 20g, Bạc thau 16g sắc uống.

– Búi trĩ sưng đau: Dền gai tươi 1 nắm to, nấu lấy nước xông và rửa, ngày 1-2 lần.

– Mụt nhọt: Lá dền gai tươi vừa đủ, thêm mật ong giã nhuyễn đắp bó lại, ngày 2 lần.

– Da nổi mẩn ngứa do tiếp xúc rơm rạ: Dền gai tươi, Rau sam tươi, Lá hẹ tươi (hoặc Bạc hà tươi) lượng bằng nhau, giã nhuyễn đắp hoặc vắt nước thoa vùng da ngứa, ngày 2-3 lần.

– Mẩn ngứa: Dền gai tươi vừa đủ, sắc lấy nước đặc, thêm chút muối rửa hay tắm gội tại chỗ nổi mẩn ngày 3 lần.

– Lậu: Dùng 5-6 rễ non nhai như nhai trầu trong một ngày liên tục trong vòng một tuần lễ thì đỡ.

Cần lưu ý, theo kinh nghiệm dân gian, dền gai có độc nhẹ, nếu dùng quá liều có thể gây tác dụng phụ như đau đầu, buồn nôn, nôn mửa. Bệnh lỵ hư nhược lâu ngày, phụ nữ đang có kinh và mang thai không dùng.