10 đối tượng không nên ăn ớt

53

Tuy ớt có nhiều công dụng nhưng không phải ai cũng dùng ớt được.

Nói đến ớt là nói đến vị cay, từ hoạt chất cay nhóm “vanillyl – acid béo amid” mà đứng đầu là capsaicin và những chất tương tự, gọi chung là capsaicinoid. Đặc biệt, lượng vitamin C trong ớt rất cao, là nguồn bổ sung hữu hiệu cho những người hệ miễn dịch kém, thiếu vitamin C.

Tác dụng tuyệt vời của quả ớt

Giảm đau

Đặc tính sáng giá nhất của ớt chính là chất capsaicin. Chất này tập trung nhiều nhất ở gần cuống. Chất capsaicin trong ớt là hoạt chất gây đỏ và nóng, chỉ có khi quả ớt chín, chiếm tỷ lệ từ 0,01 – 0,1%.
Chất capsaicin vốn không mùi, không vị, nhưng có khả năng kích thích rồi sau đó làm giảm đau trong cơ thể. Capsaicin thúc đẩy sự tiết ra chất P, một neurotransmitter thông báo cho não bạn biết bạn đang bị đau. Vì vậy, capsaicin đôi khi được sử dụng để làm giảm cơn đau khớp.

Khi ớt dùng ở ngoài da (dưới dạng rượu hay dầu nóng…) nó là vị thuốc kích thích tại chỗ. Capsaicin gây giãn mạch, tăng lưu lượng máu cục bộ, làm tan máu bầm, giảm đau.

Người bệnh đái đường rất dễ đau. Chỉ cần chạm nhẹ tay vào da cũng gây cảm giác đau kéo dài. Các thuốc giảm đau thông dụng đều không hữu hiệu. Thế nhưng xoa bóp bằng capsaicin thì đỡ nhiều.

Về chữa viêm xương khớp thì hãng Bioglan, năm 1998 đã đưa ra thị trường nước Anh một loại thuốc có tên Zacin. Thuốc được bào chế dưới dạng kem bôi chứa 0,025% capsaicin dùng để giảm đau trong viêm xương khớp. TS. John Dickson (Bệnh viện South Cleveland) dự đoán kem Capsaicin sẽ thay thế cho các thuốc bôi có chứa các chất chống viêm không steroid khác.
Cải thiện hệ tiêu hóa

Nếu ăn cay vừa phải sẽ giúp tăng tiết dịch vị, giúp tiêu hóa tốt hơn, ăn ngon miệng hơn, đồng thời tránh bị đầy hơi.

Khi ăn ớt, vị cay kích thích thần kinh vị giác để được chuyền lên não bộ. Não bộ phản ứng bằng cách tăng nhịp tim, giãn mạch cục bộ, tăng tiết nước bọt, hắt hơi. Để giảm cảm giác đau nóng của ớt, não bộ tiết ra một chất giảm đau là endorphin. Với nồng độ cao, chất này gây cảm giác thoải mái. Người ghiền ớt đã quen với cảm giác này. Bữa ăn thiếu ớt sẽ mất ngon.

Lâu nay, chúng ta vẫn thường nghĩ ăn nhiều ớt sẽ gây loét dạ dày. Thế nhưng, nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy ớt lại là thức ăn tốt cho những người bị loét dạ dày.
Theo các chuyên gia, quả ớt có chứa chất capsaicin có tác dụng tiêu diệt các vi khuẩn gây loét dạ dày, ngăn chặn việc tạo ra acid chua, tăng lượng máu chảy vào niêm mạc dạ dày giúp ngừa tình trạng loét hoặc làm lành những vết loét. Tuy nhiên, những người hay ợ chua thì không nên dùng ớt, vì điều này có thể làm bệnh thêm nghiêm trọng.

Giảm cân

Qua nghiên cứu, các nhà khoa học đã chứng minh, thành phần chất cay của ớt (chất capsaicin) tạo khả năng sinh nhiệt rất lớn, có tác dụng lan tỏa và đốt cháy các chất béo, đốt cháy nhiều calo hơn ngay sau bữa ăn. Ngoài ra, chất này còn giúp làm tăng tỷ lệ trao đổi chất trong cơ thể, tạo cảm giác no và nhờ đó giúp người dùng giảm cân hiệu quả.
Khi cơ thể hấp thu chất cay từ ớt, não sẽ tăng cường hoạt động, thúc đẩy sự chuyển tải của hệ thần kinh, làm cho thận tiết ra các dịch thể. Khi thận tiết ra các dịch thể sẽ đốt cháy chất béo, vì vậy có tác dụng giảm béo.

Giải độc qua da

Đặc tính nóng của ớt sẽ giúp giữ nhiệt cho cơ thể trong mùa lạnh và còn giúp giải độc rất tốt qua đường hô hấp của da (toát mồ hôi).

Giấc ngủ

Hàm lượng các hoạt chất tự nhiên chứa trong ớt có khả năng tác động tích cực đến glucose và các hóa chất khác của não bộ, giúp giấc ngủ tới nhanh và sâu hơn.

Đối với ung thư (UT)

Các nhà khoa học của Viện Đại học Pittburg (Mỹ) đã chứng minh được ớt có thể làm chậm quá trình phát triển của các tế bào UT, đặc biệt với UT tuyến tụy. Đó là do tác dụng của chất cay capsaicin có vai trò xúc tác, làm cho các tế bào UT tự phá hủy nhưng không gây hại cho các tế bào bình thường.
Chất capsaicin dồi dào trong ớt còn kích thích não bộ sản xuất ra chất endorphin, một móc-phin nội sinh có tác dụng giảm đau, đặc biệt cho những người bị viêm khớp mãn tính và UT.

Ngừa tai biến tim mạch

Nghiên cứu cho thấy, ớt chứa các hoạt chất giúp máu lưu thông tốt, ngăn ngừa nguy cơ tai biến tim mạch. Ngoài ra, ớt cũng giúp hạ huyết áp và giảm lượng cholesterol trong cơ thể.

Lượng vitamin C phong phú trong ớt có thể khống chế xơ cứng động mạch và làm giảm cholesterol. Nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ cho thấy, ớt có tác dụng sát trùng, chống ôi thiu, chống lạnh và chứa một số dưỡng chất nên giúp con người đề phòng và chữa một số bệnh.
Tăng sức đề kháng

Đối với những bệnh như: cảm cúm, cảm lạnh và những bệnh liên quan đến đường hô hấp thì ớt và các thức ăn cay là “thuốc ngừa” hiệu quả.

Trướng tĩnh mạch và trĩ

Gần đây Đà Lạt có loại ớt to, hình dáng như quả cà chua màu xanh, không cay, chỉ hơi hăng hăng, dùng để xào nên gọi là “ớt xào”. Flavonoid của ớt này bảo vệ thành mạch máu; dùng trị bệnh trướng tĩnh mạch, bệnh trĩ. Các bà sinh đẻ nhiều, những người lao động đứng nhiều giờ liên tục thường bị chứng trướng tĩnh mạch ở chân, nên dùng ớt xào làm món ăn thường ngày là rất hữu ích.

Nếu chẳng may bạn bị một trái ớt “hành”, cách thức đơn giản để hết cay là:

1. Uống sữa, sữa nóng càng tốt, sữa nóng và ngọt lại càng tốt hơn hoặc sữa chua hay kem. Ngoài việc chất ngọt làm dịu vị cay, trong sữa và các sản phẩm làm từ sữa có chất casein sẽ giúp tẩy sạch chất capsaicin trong giây lát, sẽ hết cay ngay.

2. Dùng đường thoa lên các vị trí bị dính ớt (nếu ngoài da) thoa lên môi hoặc ngậm trong miệng một thời gian ngắn rồi nuốt từ từ. Các chất có trong đường sẽ giúp trung hòa và rửa trôi capsaicin đang bám, giúp chúng ta không còn cảm giác cay và nóng nữa.

3. Trong trường hợp không tìm được 2 thứ trên, nên uống 1 ít nước nóng, nó sẽ giúp rửa trôi capsaicin, làm giảm cảm giác cay đi.
Ai không ăn được ớt?

Tuy ớt có nhiều công dụng nhưng không phải ai cũng dùng ớt được. Những người sau đây không nên ăn ớt:

– Người mắc bệnh tim, bệnh não, bệnh huyết quản, người cao huyết áp, bệnh viêm khí quản mãn tính, người mắc bệnh phổi.

– Người có bệnh viêm loét dạ dày mãn tính, người bị bệnh viêm thực quản. Vị cay, đặc biệt là vị cay của ớt, có thể gây bỏng da nếu ở mức độ đậm đặc. Vì thế, vị cay chắc chắn sẽ có hại cho niêm mạc dạ dày, đặc biệt đối với những người bị loét dạ dày từ trước. Hơn nữa, ăn quá cay cũng ảnh hưởng đến men tiêu hóa của dạ dày, gây khó tiêu, ăn cay quá có nguy cơ loét dạ dày.

– Người bị bệnh viêm túi mật, sỏi mật.

– Người mắc bệnh trĩ, đang bị đau mắt đỏ hay viêm giác mạc.

– Sản phụ, người đang mang thai, người có bệnh về thận.

– Người mắc bệnh viêm da và mọi thứ bệnh về da.

– Người đang uống thuốc Đông y, nếu ăn ớt sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả trị bệnh của thuốc.

– Những người ốm yếu gầy còm.
– Mẹ cho con bú nếu ăn quá cay sẽ ảnh hưởng đến trẻ qua sữa, mẹ bị bốc hỏa trong cơ thể còn con cũng nóng trong người, khó ngủ, hay quấy khóc.

– Đối với phụ nữ có thai, việc ăn cay không ảnh hưởng trực tiếp đến người mẹ. Nhưng theo các nhà khoa học, mẹ ăn cay khi mang thai sẽ dễ gây bệnh dị ứng cho trẻ sau này. Còn theo kinh nghiệm dân gian, mẹ ăn quá cay, con sinh ra dễ bị rôm sảy, nóng nhiệt trong người.