Nghi lễ để tiễn đưa ông Công, ông Táo về Trời trong đó không thể thiếu được đó là cá chép. Có nhiều người thắc mắc, cá chép được sử dụng nên là cá thật hay giấy?
Cứ đến 23 tháng chạp, người dân Việt Nam chuẩn bị nhiều nghi lễ để tiễn đưa ông Công, ông Táo về Trời trong đó không thể thiếu được đó là cá chép. Có nhiều người thắc mắc, cá chép được sử dụng nên là cá thật hay giấy?
Vì sao lễ cúng ông Công, ông Táo phải có cá chép?
Ai trong người Việt chúng ta ắt hẳn cũng đều đã nghe đến câu chuyện về những vị thần bếp canh giữ ấm no và hạnh phúc ở mỗi gia đình. Hằng năm, các vị thần này sẽ về trời để báo cáo với Ngọc Hoàng những việc, sự kiện đã xảy ra trong gia đình đó suốt một năm qua.
Quá trình về trời được tin rằng cũng không mấy dễ dàng, đòi hỏi một “phương tiện” đặc biệt, và cá chép đã được lựa chọn để thực hiện “trọng trách” này. Trong tín ngưỡng dân gian, người ta vẫn truyền miệng nhau câu nói “cá chép vượt vũ môn” hay “cá chép hóa rồng” ám chỉ rằng chỉ có loài cá này mới có thể bay được lên trời. Ngoài ra, “cá chép hóa rồng” hiện thân cho tinh thần kiên trì, vượt qua mọi gian khó để đạt được thành công.
Cúng ông Công ông Táo nên dùng cá chép thật hay giấy?
Hằng năm, lại nô nức chuẩn bị cá chép để tiễn đưa ông Táo về trời. Vậy khi cúng ông Công, ông Táo thì ta nên dùng cá chép thật hay giấy?
Về câu hỏi được nhiều người thắc mắc này, theo các chuyên gia, dù là cá chép thật hay giấy đều có thể dùng để cúng ông Công, ông Táo. Tùy vào hoàn cảnh gia đình, sự thuận tiện mà lựa chọn.
Cá chép thật thường dùng trong các gia đình có điều kiện, có thể kết hợp được với tục phóng sinh. Ngày nay, cũng có nhiều làng nghề nuôi cá chép để phục vụ cho dịp đặc biệt này. Trong khi đó, cá chép giấy tiết kiệm hơn, gọn hơn, song cần lưu ý không được lạm dụng vì khi đốt cá chép giấy nhiều sẽ gây tốn kém mà lại không thân thiện với môi trường. Theo phong tục cổ truyền từ xa xưa, người dân sẽ dùng cá chép sống để cúng Táo Quân. Bởi sau khi cúng, cá chép được thả ra môi trường, khi gặp Vũ Môn cá chép mới có thể ‘hóa rồng’ lên trời được. Còn cúng cá chép giấy thì lại mang ý nghĩa khác, giống như việc đốt vàng mã vậy. Người dân thường lựa chọn những con cá chép sống có kích thước và trọng lượng lớn vì cho rằng cá đó khi thả ra mới sớm “hóa rồng”.
Điều “tối kỵ” cần tránh cúng ông Công ông Táo
Theo tục lệ cổ truyền của người Việt, cứ đến ngày 23 tháng Chạp hàng năm, mọi nhà đều làm lễ cúng ông Công ông Táo lên chầu Trời. Tùy điều kiện mỗi gia đình mà lễ cúng đúng ngày 23 hoặc sớm hơn.
Nhiều nhà bắt cá chép rán lên để cúng ông Táo nhưng đây là điều tối kỵ khi cúng Táo quân các gia đình cần tránh không nên làm trong ngày 23 tháng Chạp. Ngoài cá chép, tất cả các loại cá khác cũng không thể rán để đưa vào mâm cúng.
Các gia đình cũng cần quan tâm đến giờ cúng Táo quân. Cúng Táo quân thường phải cúng trước 12h trưa ngày 23 tháng chạp. Theo như quan niệm thì gia chủ phải cúng báo cáo trước để Táo quân còn tổng hợp rồi lên trời báo cáo, chứ lúc đến giờ đi rồi mới cúng sẽ không còn ý nghĩa gì nữa.
Phong tục thờ cúng Táo quân là một tín ngưỡng văn hóa dân gian. Tín ngưỡng này giàu ý nghĩa nhân văn, hướng con người ta tích cực làm việc tốt, sống lương thiện nhưng ngày nay, tục lệ này cũng đang bị biến tướng, hiểu sai.