Cây này vốn mọc dại ở các miền quê Việt Nam, hiện nay được làm thành các món ăn ngon, có nhiều tác dụng đối với sức khoẻ.
Bèo tây vốn là loại cây quen thuộc ở các miền quê Việt Nam. Đây là cây thuỷ sinh, mọc dại ở ao hồ, đầm lầy. Trước đây, người ta hái bèo cây về thái nhỏ, nấu lên làm thức ăn cho lợn, gà, gia cầm. Nhưng ít ai biết được rằng thứ cây dại này giờ được làm thành các món ăn lạ miệng và có nhiều công dụng tuyệt vời đối với sức khoẻ.
Bèo tây có tên gọi khác là lục bình, xuất xứ từ châu Nam Mỹ. Cây bèo tây mọc cao khoảng 30 cm với dạng lá hình tròn, màu xanh lục, láng và nhẵn mặt, gân lá hình cung dài, hẹp. Lá cuốn vào nhau như những cánh hoa. Cuống lá nở phình ra như bong bóng, ruột xốp giúp cây bèo nổi trên mặt nước.
Ở một số nơi, đọt non, lá và hoa của cây bèo tây được làm thành các món như cá dứa nấu bông bèo tây, ngó bèo tây xào, gỏi ngó bèo tây, nhúng lẩu…
Ở miền Tây, từ xưa người dân địa phương đã sử dụng ngó bèo tây để làm thành món ăn dân dã, gắn với những ngày nghèo khó. Hồi đó, chỉ cần ra sông hái ngó bèo tây về luộc chấm mắm, hay xào tỏi, muối chua là có bữa ăn ngon lành.
Hiện nay, ngó bèo tây thành đặc sản nổi tiếng được bán ở thành phố. Ngó bèo tây tươi có giá 80.000 đồng/kg, trong khi đó dưa bèo tây có giá 150.000 đồng/kg.
Ở Nhật Bản, bèo tây được ví như “siêu thực phẩm”, người dân thường xuyên mua bèo tây trong siêu thị về ăn, làm gỏi, chữa bệnh hoặc dùng để lọc nước. Cây bèo tây được phát hiện ra có công dụng rất tốt khi đắp vết thương, mụn nhọt, giảm sưng tấy, chống viêm hiệu quả.
Những lợi ích của bèo tây:
Giúp làn da khỏe mạnh
Nhiều sản phẩm chăm sóc da chứa các thành phần chiết xuất từ hoa bèo tây. Những chiết xuất này có đặc tính kháng khuẩn, kháng nấm, là lựa chọn lành mạnh để điều trị nhiều chứng rối loạn về da.
Ngoài ra, nghiền nát hoa bèo tây, rồi thêm vào bột gạo và nghệ có thể điều trị các vấn đề về da như bệnh chàm.
Giảm sưng viêm
Theo y học cổ truyền, ngoài tác dụng làm thực phẩm, bèo tây còn có vị nhạt, tính mát, có tác dụng chữa sưng tấy, viêm đau như sưng bắp chuối bẹn, tiêm bị áp xe, chín mé, sưng nách, viêm tinh hoàn, viêm khớp ngón tay, viêm hạch bạch huyết,… Dân gian thường dùng phần phồng của cuống lá giã nát, thêm muối (5-8g trong 100 g bèo) đắp, bó.
Kháng khuẩn
Theo nghiên cứu của El-Shemy và các cộng sự, chiết xuất từ cây bèo tây có đặc tính kháng khuẩn, giúp kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn gram âm và gram dương.
Giữ cho hệ tiêu hóa khỏe mạnh hơn
Món đậu xào bèo tây giúp cho quá trình tiêu hóa trở nên trơn tru. Theo y học cổ truyền, ăn bèo tây giúp cho lá lách khỏe mạnh. Loại thảo mộc này cũng được dùng để điều trị chứng buồn nôn, chướng bụng, đau bụng, giun và đầy hơi.
Lưu ý:
– Bèo tây có nhiều giá trị tốt cho sức khoẻ nhưng bạn cần cẩn trọng khi sử dụng. Không nên hái bèo tây ở những nguồn nước bị ô nhiễm. Vì bèo tây có đặc tính hút kim loại nặng cộng với những chất độc khác ở trong nước và tích tụ vào thân. Người ăn loại bèo đó nhiều cũng tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh do kim loại nặng có chứa trong bèo được chuyển hóa vào người.
– Không ăn bèo tây thường xuyên để đề phòng nhiễm kim loại nặng tích tụ trong bèo tây.