Những thực phẩm này có giá trị dinh dưỡng cao nhưng ăn nhiều sẽ không tốt cho tuyến giáp.
Rau họ cải
Các loại rau họ cải như củ cải, bắp cải, bông cải xanh… có giá trị dinh dưỡng cao, chứa nhiều chất chống oxy hóa tốt cho sức khỏe. Đây là những thực phẩm có lợi, mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên lạm dụng chúng, đặc biệt là với những người có bệnh về tuyến giáp.
Nguyên nhân là do các loại rau họ cải chứa nhiều glucosinolate. Khi đi vào cơ thể, chất này sẽ chuyển hóa thành thiocyanate. Với hàm lượng thấp, thiocyanate không gây ra tác hại cho cơ thể. Trong khi đó, với hàm lượng cao, nó sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ i-ốt. Ăn nhiều rau họ cải, nhất là ăn sống sẽ làm thiếu hụt i-ốt và dẫn tới bệnh tuyến giáp.
Đặc biệt, rau cải bó xôi được đánh giá là loại rau chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe nhưng nếu ăn không đúng cách sẽ gây hại tuyến giáp. Cải bó xôi còn gọi là rau bina, rau chân vịt chứa nhiều vitamin A, C, K, folate, sắt, canxi. Nó cũng chứa nhiều chất chống oxy hóa giúp đẩy lùi các gốc tự do, bảo vệ tế bào khỏi tổn thương.
Các loại rau họ cải chứa nhiều chất bổ dưỡng cho cơ thể nhưng không nên tiêu thụ quá nhiều vì có thể làm ảnh hưởng đến tuyến giáp.
Tuy nhiên, rau bina chứa nhiều goitrogen có khả năng cản trở quá trình hấp thu i-ốt trong cơ thể. Ăn quá nhiều cải bó xôi, đặc biệt là săn sống và ăn trong chế độ thiếu i-ốt sẽ gây ra vấn đề ức chế khả năng sản xuất hormone tuyến giáp, dẫn đến nguy cơ bướu cổ, suy giáp. Nấu chín cải bó xôi là cách làm giảm goitrogen, giảm tác động tiêu cực của chất này lên tuyến giáp.
Đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành
Đậu nành, sữa đậu nành, đậu phụ… chứa nhiều chất dinh dưỡng, có tác dụng giúp tuyến giáp khỏe mạnh, hỗ trợ cân bằng nội tiết. Tuy nhiên, sử dụng quá nhiều đậu nành, đặc biệt là trong chế độ ăn thiếu i-ốt, có thể gây ra tình trạng bướu cổ, suy giáp. Khi bổ sung đầy đủ muối i-ốt trong chế độ ăn, tác động xấu này sẽ được giảm thiểu.
Đậu nành chứa nhiều isoflavone và goitrogen. Hai hợp chất này có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ i-ốt của tuyến giáp nếu thiêu thụ quá nhiều trong thời gian dài.
Đậu nành, khoai lang sống, sắn là những thực phẩm có thể ảnh hưởng đến quá trình hấp thu i-ốt của cơ thể, tác động không tốt đến tuyến giáp nếu sử dụng không đúng cách.
Sắn, khoai lang sống
Sắn, khoai lang là thực phẩm dân dã, được sử dụng nhiều trong cuộc sống thường ngày. Nó có chứa hợp chất goitrogen, có khả năng ức chế việc hấp thụ i-ốt của tuyến giáp. Đặc biệt, khoai lang và sắn sống hoặc chưa nấu chín kỹ còn chứa hợp chất cyanogenic glycosides. Chất này khi đi vào hệ tiêu hóa sẽ giải phóng cyanide gây ức chế hấp thụ i-ốt, làm ảnh hưởng đến khả năng của tuyến giáp. Chất cyanide cần được giải độc qua gan. Nếu tiêu thụ cyanide với lượng lớn, nó có thể gây ra suy giáp.