Su hào rất bổ nhưng 2 nhóm người này không nên ăn

109

Su hào chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe nhưng có những đối tượng không nên ăn loại thực phẩm này.

Lợi ích của su hào đối với sức khỏe

Lương y Vũ Quốc Trung, Hội Đông y Việt Nam cho biết theo sách Trung dược đại từ điển, su hào thuộc họ cải. Loại thực phẩm này có vị ngọt, cay, tính mát, có thể sử dụng cả lá và củ, dùng làm thuốc trị viêm xoang mũi, đại tiện xuất huyết, nước tiểu đục, tiểu nhỏ giọt…

Nghiên cứu của khoa học hiện đại chỉ ra rằng 100 gram su hào có thể cung cấp 27kcal, 1,7 gram chất đạm, 6,2 gramm carbohydrate, 3,6 gram chất xơ, 24mg canxi, 46mg phốt pho, 19mg magie, 360mg kali, 20 mg natri, 62mg vitamin C, 16µg folate, 22µg beta-caroten.

Khoảng 135 gram su hào có thể cung cấp 17% nhu cầu chất xơ hằng ngày của con người. Đây là chất quan trọng trong việc tiêu hóa, quản lý đường huyết.

Su hào có lượng calo thấp, giàu chất xơ, giúp tạo cảm giác no, hạn chế thèm ăn. Ngoài ra, nó còn chứa nhiều phytochemical như glucosinolate và carotenoids có tác dụng kiểm soát tích tụ chất béo, có tác dụng tốt trong việc hỗ trợ giảm cân.

Lượng beta-carotene dồi dào trong su hào có tác dụng bảo vệ thị lực. Vitamin C trong loại thực phẩm này giúp thúc đẩy khả năng miễn dịch của cơ thể.

Các chất chống oxy hóa trong su hào như vitamin C, anthocyanin, isothiocyanates và glucosinolates có tác dụng bảo vệ tế bảo, giúp chống lại các tổn thương do gốc tự do gây ra, hạn chế nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Những người không nên ăn su hào

– Người bị rối loạn tiêu hóa, đau dạ dày, trẻ nhỏ

Su hào có nhiều chất xơ. Cơ thể cần nhiều thời gian để tiêu hóa loại thực phẩm này. Việc ăn nhiều su hào có thể gây ra các vấn đề như đầy bụng, buồn nôn, tiêu chảy.

Su hào khi ăn sống sẽ có hàm lượng dinh dưỡng cao hơn nhưng lại dễ gây đau bụng với những người có hệ tiêu hóa kém. Người bị đau dạ dày, trẻ nhỏ không nên ăn các món làm từ su hào sống như nộm, dưa góp…

– Người bị bệnh tuyến giáp

Su hào có chứa goitrogens. Đây là một hợp chất thực vật thường gặp trong các loại rau họ cải. Nó có thể làm sưng tuyến giáp. Vì vậy, những người bị rối loạn chức năng tuyến giáp nên hạn chế ăn su hào.

Một số tác dụng phụ có thể gặp phải khi ăn nhiều su hào

Ăn nhiều su hào có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Theo Đông y, việc này có thể dẫn tới tình trạng hao tổn khí huyết.

Su hào không gây dị ứng nhưng nó lại chứa chất thiocyanat có thể ngăn chặn việc hấp thụ i-ốt của cơ thể. Đây cũng là một lý do khiến người bị bệnh tuyến giáp nên hạn chế ăn su hào.

Su hào giàu chất xơ nên cần nhiều thời gian tiêu hóa. Ăn su hào sống hoặc ăn quá nhiều su hào có thể gây ra khó chịu, đau bụng, đầy hơi.

Người đang sử dụng thuốc loãng máu nên hạn chế ăn các loại rau họ cải (bao gồm cả su hào) vì các chất dinh dưỡng trong những loại rau này có thể tương tác với thành phần thuốc, làm ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.