Thói quen vừa ăn vừa uống tưởng chừng vô hại nhưng nếu duy trì lâu dài sẽ gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Việc uống nước khi ăn làm quá trình tiêu hóa đồ ăn bị gián đoạn…, tạo điều kiện cho mỡ tích tụ nhiều hơn trong cơ thể, cản trở sự hấp thu dinh dưỡng. Đặc biệt, việc sử dụng thức uống có cồn khi ăn không tốt cho sức khoẻ nhưng nhiều người Việt vẫn ngó lơ.
Các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng việc uống nước có cồn trong bữa ăn có thể dẫn đến tình trạng ăn quá mức và mất kiểm soát. Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn có thể tạo ra những hệ quả lâu dài về cân nặng cũng như thói quen ăn uống.
Trong những bữa tiệc hoặc dịp sum họp, nhiều người thường chọn uống bia, rượu hoặc các loại nước có cồn kèm theo bữa ăn để tăng thêm không khí vui vẻ. Tuy nhiên, nghiên cứu Đại học Penn State được đăng trên tạp chí Appetite số tháng 3/2024 cho thấy uống rượu trong bữa ăn có thể khiến chúng ta ăn nhiều hơn và dẫn đến béo phì.
Thí nghiệm dựa trên thói quen ăn uống của 42 người với các mức cân nặng khác nhau chia thành các nhóm bình thường, thừa cân và béo phì. Những người tham gia được phục vụ mì ống với các khẩu phần từ 400 đến 700 gram, kèm theo nước uống và được giám sát hành vi ăn uống.
Nghiên cứu phát hiện ra rằng những người uống nước có cồn trong bữa ăn có xu hướng ăn nhiều hơn mức cần thiết hoặc có hành vi “ăn kéo dài” để duy trì cảm giác thưởng thức. Điều này đặc biệt rõ rệt ở những người gặp khó khăn trong việc kiểm soát hành vi ăn uống của mình.
Uống nước có cồn trong bữa ăn tác động đến thói quen ăn uống. (Ảnh minh họa).
Mối liên hệ giữa đồ uống có cồn và cảm giác thèm ăn
Các nhà khoa học đưa ra giả thuyết rằng, rượu bia và các loại nước có cồn chứa ethanol – một hợp chất kích thích hệ thần kinh trung ương, có tác động đến nhiều cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là não bộ. Khi vào cơ thể, ethanol có khả năng làm giảm ức chế, tăng cảm giác phấn khích, khiến chúng ta có xu hướng cảm thấy đói và muốn ăn nhiều hơn.
Thêm vào đó, cồn trong rượu bia ảnh hưởng đến hormone ghrelin – hormone gây cảm giác đói. Khi tiêu thụ cồn, mức ghrelin trong cơ thể tăng lên, dẫn đến cảm giác thèm ăn, đặc biệt là với những món ăn có hàm lượng calo cao như thực phẩm chiên, nướng hay các món ngọt. Ngoài ra, cồn làm giảm hormone leptin – hormone báo hiệu cho não biết khi nào cơ thể đã no, khiến chúng ta khó cảm nhận được trạng thái no đủ.
Khi vào cơ thể, cồn tác động trực tiếp lên hệ thần kinh trung ương, ảnh hưởng đến vùng não điều khiển khả năng tự kiểm soát hành vi. Đặc biệt, cồn làm giảm ức chế và tăng cường cảm giác khoái cảm thông qua việc tăng tiết dopamine – một chất dẫn truyền thần kinh gây cảm giác thoải mái và hưng phấn.
Sự tăng tiết dopamine khi uống rượu bia không chỉ làm chúng ta thấy vui vẻ mà còn làm giảm khả năng kiểm soát bản thân. Điều này có nghĩa là chúng ta sẽ dễ dàng hơn khi đưa ra quyết định ăn uống không lành mạnh, không ngừng ăn ngay cả khi đã no. Thêm vào đó, rượu bia cũng làm giảm khả năng phân tích và đưa ra quyết định, dẫn đến việc ăn uống mất kiểm soát, đồng thời, dễ dàng bỏ qua những nguyên tắc ăn uống lành mạnh.
Việc “chuyển đổi hành vi” giữa các lần nhấp môi và cắn có thể là cách mà người ăn tìm cách kéo dài cảm giác hài lòng. (Ảnh minh họa).
Tác động đến sức khỏe
Ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất
Việc ăn quá mức trong khi uống nước có cồn có thể gây ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất. Các món ăn đi kèm khi uống rượu bia thường là các món có hàm lượng chất béo, đường, muối cao như đồ chiên xào, thực phẩm nhanh, đồ nướng,… làm tăng lượng calo đáng kể. Kết hợp với năng lượng từ cồn, việc tiêu thụ nhiều thức ăn và cồn trong cùng bữa ăn có thể làm cơ thể không kịp chuyển hóa, dẫn đến tình trạng tích lũy mỡ thừa, tăng cân, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh lý như béo phì, tiểu đường, tim mạch hay các bệnh lý về gan.
Uống đồ uống có cồn trong bữa ăn thường xuyên gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần. (Ảnh minh họa).
Ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần
Ngoài tác động thể chất, việc uống rượu bia trong bữa ăn còn gây ra những ảnh hưởng tâm lý tiêu cực. Cảm giác tội lỗi và hối tiếc thường xuất hiện sau khi ăn uống không kiểm soát, đặc biệt với những người có ý thức giữ dáng hoặc kiểm soát cân nặng. Điều này dễ dẫn đến cảm giác lo âu, căng thẳng, ảnh hưởng đến lòng tự trọng cũng như trạng thái tâm lý tổng thể.
Theo thời gian, nếu không điều chỉnh, thói quen uống đồ uống có cồn trong bữa ăn và ăn uống mất kiểm soát có thể phát triển thành một dạng rối loạn ăn uống, với biểu hiện ăn uống theo cảm xúc, không thể dừng lại mặc dù đã biết no.
Việc uống nước có cồn trong bữa ăn có thể là một phần của văn hóa và phong cách sống, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe. Do đó, hãy chú trọng đến sức khỏe dài lâu bằng cách kiểm soát lượng cồn tiêu thụ cũng như lựa chọn thực phẩm lành mạnh, từ đó xây dựng một lối sống cân bằng và bền vững.