Loại quả này còn được biết đến là “thần dược”, tốt cho những người mắc bệnh tiểu đường do hàm lượng chất xơ cao và lượng carbohydrate hòa tan thấp nhưng không phải ai cũng biết để thưởng thức.
Cà tím là một trong những món ăn quen thuộc và được yêu thích tại Nhật Bản. Loại rau này không chỉ thường xuyên xuất hiện trong các bữa cơm hàng ngày mà còn là một phần không thể thiếu trong nhiều món ăn truyền thống của Nhật.
Lý do là vì cà tím giàu chất dinh dưỡng và có nhiều lợi ích sức khỏe. Theo Healthline, trong 100g cà tím, hàm lượng calo rất thấp, chỉ 25 calo. Nhưng chứa tới 1g protein, 0,2 gam chất béo, 6 gam carbohydrate, 3 gam chất xơ. Ngoài ra, cà tím cũng rất giàu axit folic, kali, vitamin K, vitamin C…
Loại quả này còn chứa các vitamin như A, C, các vitamin nhóm B và nhiều khoáng chất vi lượng như K, Mg, Fe, Zn, Ca, Mn. Cà tím giàu axit folic và sắt giúp ngăn ngừa thiếu máu, tốt cho thai phụ. Kali trong cà tím giúp ổn định nhịp tim, flavonoid giảm nguy cơ bệnh tim mạch. Magiê và canxi cùng với vitamin A và C có trong cà tím giúp cải thiện cấu trúc xương và tăng cường hệ miễn dịch, giảm cảm giác bồn chồn, cải thiện tình trạng giấc ngủ, làm đẹp da.
Cà tím còn được biết đến là “thần dược”, tốt những người mắc bệnh tiểu đường do hàm lượng chất xơ cao và lượng carbohydrate hòa tan thấp. Ngoài ra, loại quả này còn chứa các chất có khả năng điều tiết hoạt động của glucose và insulin trong cơ thể, từ đó giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Chất xơ trong cà tím làm chậm quá trình tiêu hóa và hấp thụ đường vào máu, giúp ổn định đường huyết và ngăn ngừa tăng đường huyết đột ngột. Cà tím cũng có lượng carbohydrate thấp, có nghĩa là chúng không làm tăng đáng kể lượng đường trong máu khi tiêu thụ.
Chứa các hợp chất polyphenol trong cà tím có khả năng điều chỉnh hoạt động của glucose và insulin trong cơ thể, giúp kiểm soát đường huyết hiệu quả. Việc thường xuyên đưa cà tím vào chế độ ăn uống lành mạnh có thể góp phần quan trọng trong việc phòng ngừa và kiểm soát bệnh tiểu đường.
Cà tím chứa nhiều chất chống oxy hóa, đặc biệt là nasunin có trong vỏ tím. Các chất này giúp bảo vệ tế bào khỏi tổn thương do các gốc tự do gây ra, từ đó giảm nguy cơ phát triển ung thư. Hàm lượng chất xơ cao trong cà tím giúp thúc đẩy quá trình tiêu hóa, loại bỏ độc tố và các chất có hại ra khỏi cơ thể, giảm nguy cơ ung thư đại tràng.
Cà tím có chứa khoảng 13 loại hợp chất phenolic khác nhau, một số trong số đó đã được chứng minh là có khả năng chống lại sự phát triển của tế bào ung thư. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng các nghiên cứu về tác dụng chống ung thư của cà tím vẫn đang được tiến hành. Việc ăn cà tím nên được kết hợp với một chế độ ăn uống lành mạnh và lối sống khoa học để đạt được hiệu quả phòng ngừa ung thư tốt nhất.
Cà tím có thể chế biến theo nhiều cách khác nhau, từ việc nướng, chiên cho đến nhúng lẩu hay làm thành món dồn thịt, đều rất ngon miệng và bổ dưỡng. Dưới đây là 3 công thức mà bạn có thể tham khảo.
Cà tím xào tỏi
Nguyên liệu: cà tím, tỏi băm nhỏ, hành lá thái nhỏ, dầu ăn, nước tương, muối, đường, tiêu.
Cách làm:
1. Cà tím rửa sạch, cắt thành từng miếng vừa ăn.
2. Bắc chảo lên bếp, cho dầu ăn và tỏi băm vào phi thơm.
3. Thêm cà tím vào xào ở lửa vừa, đến khi cà tím chín mềm.
4. Nêm nước tương, muối, đường và tiêu vào, đảo đều.
5. Thêm hành lá vào, xào thêm vài giây rồi tắt bếp.
6. Múc cà tím ra đĩa và thưởng thức.
Nguyên liệu: cà tím, hành lá, dầu ăn, nước mắm, chanh, ớt, tỏi, đường, muối.
Cách làm:
1. Cà tím rửa sạch, cắt làm đôi theo chiều dài.
2. Nướng cà tím trên than hoa hoặc lò nướng cho đến khi da cà tím chuyển màu thẫm.
3. Trong thời gian đó, chuẩn bị mỡ hành bằng cách phi thơm hành lá với dầu.
4. Làm nước mắm chua ngọt bằng cách pha nước cốt chanh, tỏi băm, ớt băm, đường và muối.
5. Khi cà tím nướng chín, cho vào đĩa và rưới mỡ hành lên trên.
6. Ăn kèm với nước mắm đã pha.
Cà tím nhồi thịt
Nguyên liệu: cà tím, thịt lợn xay, hành tím, tỏi, hành lá, mùi tàu (ngò), nước tương, dầu hào, tiêu, đường, muối.
Cách làm:
1. Cà tím cắt làm đôi hoặc ba, tùy kích thước và thói quen của gia đình, khoét lõm giữa để nhồi thịt.
2. Trộn thịt xay với hành tím băm, hành lá, ngò, gia vị.
3. Nhồi hỗn hợp thịt vào phần đã khoét của cà tím.
4. Xếp cà tím đã nhồi thịt vào xửng, hấp cách thủy trong khoảng 20 phút.
5. Pha nước sốt từ nước tương, dầu hào, đường, tiêu và ít nước.
6. Sau khi cà tím chín, rưới nước sốt lên trên và thưởng thức khi còn nóng.
Khi chế biến và ăn cà tím, bạn cần lưu ý một số điều sau đây.
Sơ chế: Nên ngâm cà trong nước muối có thêm vài giọt giấm giúp giảm bớt độc tố. Bạn cũng nên bóp nhẹ để loại bỏ hạt cà dễ dàng hơn.
Ăn cả vỏ: Vỏ cà tím giàu Vitamin B và hỗ trợ hấp thụ Vitamin C nên có thể ăn cùng vỏ.
Kết hợp với thực phẩm khác: Nên kết hợp cà tím với các loại thực phẩm khác để giảm lượng tiêu thụ và bổ sung thêm dinh dưỡng. Có thể thêm gừng cho người có hệ tiêu hóa kém vì cà tím có tính hàn.
Không ăn quá nhiều: Một người trưởng thành nên sử dụng tối đa 250g cà tím cho một khẩu phần ăn, không nên ăn liên tục nhiều ngày.
Những người không nên ăn: Cà tím có tính hàn và có thể không phù hợp với một số nhóm người như người bị dị ứng, người có vấn đề về thận, người bị hen suyễn, người có thể chất hàn.