Trồng cây đinh lăng lấy củ bao nhiêu năm là tốt nhất? Mẹo chọn củ đinh lăng

26

Trồng cây đinh lăng lấy củ làm dược liệu là một nhu cầu của nhiều người Việt Nam, loại cây này còn được xem như là nhân sâm.

Trồng cây đinh lăng lấy củ, mua củ đinh lăng ngâm rượu là “mốt” của nhiều người Việt. Đinh lăng trở thành loại thảo được dành cho cả người nghèo lẫn người giàu. Trồng cây đinh lăng trong nhà vừa dùng lá làm trà, làm thực phẩm làm gia vị trong nhiều món ăn như kho cá, nem cuốn, ăn sống, gỏi….

Trồng cây đinh lăng lấy củ thì cần chú trọng vào số năm trồng bởi hoạt chất trong đinh lăng phụ thuộc vào số năm sống. Đinh lăng trong Đông y là vị thuốc quý từ xa xưa. Trong từ điển cây thuốc Việt Nam thì rễ đinh lăng tính bình, vị ngọt, có tác dụng bổ ngũ tạng, giải độc, bổ huyết, tăng sữa, tiêu thực, tiêu sưng. Ngoài ra, đinh lăng cũng là loại thuốc tăng lực, dùng làm thuốc bổ trị suy nhược cơ thể, tiêu hóa kém.

Trồng cây đinh lăng nên trồng bao nhiêu năm thì thu hoạch?

Trồng cây đinh lăng cũng tương tự như trồng sâm. Người ta cho rằng trồng đinh lăng phải đủ tuổi thì mới có công dụng dược liệu. Do đó nếu trồng cây đinh lăng lấy củ thì cần chú ý thời gian. Cây đinh lăng mới trồng, rễ nhỏ trong khoảng 3 năm đầu thì dược tính rất thấp. Cây đinh lăng phát triển chậm nên cần đủ thời gian. Theo kinh nghiệm của nhiều người thì đinh lăng phải từ 3 năm tuổi mới được thu hoạch.

Củ đinh lăng được cho là có dược tính cao nhất trong khoảng 5 – 10 năm tính từ khi trồng. Lúc này, dược chất trong củ đinh lăng được cho là cao nhất. Sau thời gian đó thì đinh lăng già đi nhiều, củ sần sùi hơn và dưỡng chất cũng mất đi. Rễ đinh lăng quá già sẽ thành xơ gỗ nên dược tính cũng bị giảm đi.

Đinh lăng phải từ 3 năm tuổi mới có dược tính cao

Đinh lăng phải từ 3 năm tuổi mới có dược tính cao

Tuy nhiên nhiều người vẫn trồng đinh lăng già để lấy củ đảm bảo hình thù phù hợp thị hiếu tiêu dùng. Thế nên trên thị trường nhiều củ đinh lăng già giá cao, tuy nhiên dược tính lại không cao bằng đinh lăng vừa đủ độ tuổi.

Mách bạn cách chọn củ đinh lăng

Cây đinh lăng có 2 loại là loại lá to và lá nhỏ. Đinh lăng lá nhỏ được gọi là đinh lăng nếp. Đinh lăng lá nhỏ được cho là thơm và dược tính cao hơn.

Vì thế khi chọn củ đinh lăng hãy nhìn vào phần lá còn lại phía trên. Nên ưu tiên chọn loại đinh lăng lá nhỏ nếu chúng cùng năm tuổi. Trồng cây đinh lăng nếp năng suất thấp hơn nhưng giá trị cao, dược tính nhiều hơn.

Củ đinh lăng càng già màu càng đậm, càng xù xì

Củ đinh lăng càng già màu càng đậm, càng xù xì

Khi chọn củ đinh lăng nên nhìn màu của củ để nhận biết độ tuổi. Củ càng già thì màu càng đậm, và các rễ chính thường to và dài hơn các củ non. Rễ đinh lăng có màu vàng rơm, có mùi thơm mát, mềm mịn không khô là củ đinh lăng ngon. Phần củ ở giữa rễ và thân là phần giá trị nhất nên khi ngâm rượu người ta thường cắt khoảng 10-15cm và ngâm kèm với rễ. Còn những củ quá sần sùi màu quá đậm thì lại quá già không nên chọn, trừ khi bạn chọn chúng vì hình dáng.

Nhiều người thích “chơi” củ đinh lăng xù xì rễ đẹp để tạo thẩm mỹ cao, dùng làm điêu khắc. Nếu chọn thông thường thì nên chọn đinh lăng 6-8 tuổi còn muốn dùng để điêu khắc thì thường loại 8-10 tuổi hoặc hơn.