Cây cơm cháy: Loài cây dại nhưng có nhiều tác dụng chữa bệnh

31

Cơm cháy là loại thực vật mọc hoang dại ở nhiều nước vùng nhiệt đới, có thể sử dụng toàn cây làm thuốc và có nhiều công dụng như giúp lợi tiểu, tẩy, lành vết thương, chữa viêm thận phù thũng, thấp khớp…

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên Tiếng Việt: Cơm cháy.

Tên khác: Sóc dịch; Cây thuốc mọi; Tiếp cốt thảo; Xú thảo; Anh hùng thảo; Tẩu mã tiễn; Tẩu mã phong; Bát lý ma; Tiểu tiếp cốt đan; Elder Flower.

Tên khoa học: Sambucus javanica Reinw. ex Blume.

Họ: Caprifoliaceae (Kim ngân).

Đặc điểm tự nhiên

Cây nhỏ cao 1,5 – 7 m. Cành nhẵn, màu lục nhạt. Lá mọc đối, mềm, thường có lá kèm.

Kép lông chim lẻ với 1 – 4 đôi lá chét không cuống hay cuống nhỏ, hình mác, phía cuống lệch, mép có răng cưa nhỏ, dài đến 4 – 7 cm, rộng 2,5 cm, nhẵn, cuống hơi có bẹ. Hoa nhỏ màu trắng mọc thành xim kép giống một lần đường kính 10 – 30 cm, với 2 – 6 gọng chính, những gọng này chia đôi nhiều lần, mang hoa không cuống. Hoa mẫu 5, tràng hình bánh xe, bao phấn hướng ngoài.

Quả mọng hình cầu đường kính 2 – 3 mm chứa 2 – 3 hạt dẹt.

Mùa hoa từ tháng 5 – 8. Mùa quả từ tháng 9 – 11.

Cơm cháyCơm cháy là thực vật mọc hoang

Phân bố, thu hái, chế biến

Cây mọc hoang dại và được trồng ở khắp nước ta, mọc cả ở Lào, Campuchia, những nước khác vùng nhiệt đới và á nhiệt đới, châu Á.

Người ta dùng lá, vỏ hoa và quả. Có thể thu hái quanh năm lá và vỏ nhưng hoa và quả phải thu hái vào mùa hè và mùa thu.

Dùng tươi hay phơi hoặc sấy khô, không phải chế biến gì khác.

Bộ phận sử dụng

Toàn cây.

Thành phần hoá học

Chưa thấy tài liệu nghiên cứu vẻ cây cơm cháy. Nhưng người ta đã nghiên cứu thấy trong hoa cây Sambucus nigra L. (Sureau noir, sureau commun) có 0,32% tinh dầu mùi hắc của hoa, chất nhầy, nhựa và tanin. Trong quả Sambucus nigra có đường, acid malic, chất màu đỏ tím, trong vỏ Sambucus nigra có một alkaloid gọi là sambuxin, choline, một saponin, 1 ít chất gần giống xicutin, một heteroside gọi là sambunigrin và một lượng rất cao kali nitrat.

Sambunigrin là một heterosid cyanogenic do Guignard phát hiện vào năm 1905 và được Bourquelot và Danjou chiết cũng vào năm 1905. Đây là chất đồng phân với prulaurazin, tương ứng với acid phenylglycolic đồng phân quay phải. Chất này có trong vỏ, lá, hoa và quả xanh.

Theo 1 tài liệu khác, toàn cây cơm cháy chứa acid ursolic, α – amyrin palmitate, camposterol, stigmasterol, tannin…

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Cơm cháy có vị đắng, tính ấm, hơi độc, có tác dụng lợi tiểu, tiêu phù, giảm đau.

Tại một số vùng người ta dùng cành và lá cây cơm cháy tắm cho phụ nữ mới sinh. Quả làm thuốc lọc máu, thông tiểu và nhuận tràng.

Hoa được dùng làm thuốc lợi tiểu, làm ra mồ hôi. Cơm cháy được dùng dưới dạng thuốc sắc, thuốc pha hay xông.

Quả dùng ngâm rượu, uống làm thuốc nhuận tẩy độc cơ thể, chữa lỵ và thấp khớp.

Vỏ dùng làm thuốc nhuận và thông tiểu.

Cây cơm cháyCây cơm cháy có trong bài thuốc nhuận thông tiểu

Theo y học hiện đại

Chống viêm, tăng cường miễn dịch và ức chế quá trình oxy hóa.

Toàn cây cơm cháy đều có tác dụng tăng tốc độ hồi phục và giúp làm liền vết thương nhanh chóng.

Liều dùng & cách dùng

Ngày dùng với liều 10 – 12 g hoa, quả hoặc vỏ dưới dạng thuốc sắc.

Liều tham khảo 30 – 60 g/ngày với lá và thân.

Dùng ngoài không quy định liều lượng. Nếu dùng với liều 3g/1 kg thể trọng có thể gây lợi tiểu quá mức, tiêu lỏng và nôn mửa.

Bài thuốc kinh nghiệm

Chấn thương do té ngã:

Đun 50 g rễ cây lấy nước uống, có thể dùng thêm lá tươi giã và đắp trực tiếp lên vùng bị đau nhức.

Viêm thận phù thũng:

Đem sắc 30 – 60 g toàn cây thuốc, lấy nước và uống khi thuốc còn ấm.

Gãy xương:

Rửa sạch, giã nát lá, vỏ rễ và đắp trực tiếp lên chỗ xương gãy. Sử dụng vải và nẹp để cố định xương.

Đau nhức:

Rễ (mùa lạnh) giã nát còn cành lá (mùa nóng) đem sao cho nóng rồi xoa và đắp lên rốn của người bệnh. Ngoài ra đem lá cây cơm cháy hun cho nóng rồi trải lên chiếu cho người bệnh nằm sẽ giảm đau nhức.

Bong gân và khớp sưng đau:

Đem lá dược liệu cắt nhỏ, giã nát cùng với hành. Sau đó đem đắp lên chỗ đau nhức và băng lại, mỗi ngày thay thuốc 1 lần.

Thổ ra huyết, chấn thương chảy máu:

Địa du 12 g, trắc bách diệp và rễ cây cơm cháy mỗi vị 9 g, sắc lấy nước uống.

Đau nhức xương khớp do phong thấp:

Đem 20 – 30 g rễ cây sắc với nước dùng uống, đồng thời nên dùng rễ sắc lấy nước ngâm rửa vùng khớp đau nhức.

Tiểu tiện nhỏ giọt:

Đem hầm 90 – 120 g rễ cây với dạ dày lợn cho mềm, thêm gia vị vào và chia thành nhiều lần ăn trong ngày.

Chứng vàng da do gan:

Dùng rễ cây hầm với thịt ba chỉ ăn hằng ngày.

Tác dụng nhuận tràng, trị táo bón:

Sắc 15 g hoa, quả hoặc 15 – 20 g vỏ cây lấy nước uống nhiều lần trong ngày. Chỉ sử dụng trong thời gian ngắn, ngưng khi quá trình đại tiện bình thường trở lại.

Hỗ trợ điều trị thấp khớp:

Ngâm rễ hoặc quả dược liệu trong vòng 1 tháng (cứ 1 kg dược liệu thì dùng 4 – 5 lit rượu 40 độ), mỗi lần uống 1 ly nhỏ.

Sát khuẩn và giảm ngứa da:

Rửa sạch lá dược liệu tươi, nấu nước tắm hằng ngày. Bài thuốc này thường được áp dụng cho phụ nữ sau khi sinh nở.

Bệnh ghẻ lở:

Sắc 20 g lá cây, lấy nước ngâm rửa vùng da bị tổn thương. Áp dụng bài thuốc liên tục trong vòng 5 ngày.

Chữa mề đay mẩn ngứa do thời tiết thay đổi:

Sắc 30 g cành và lá cây với 800 ml nước với lửa nhỏ, sau đó dùng nước sắc tắm hoặc rửa vùng da bị tổn thương.

Chứng đơn độc khắp người ở trẻ nhỏ:

Sắc cành và lá cây lấy nước tắm cho trẻ.

Đau nhức xương khớp và mô mềm do chấn thương:

Sắc 20 g rễ và lá cây với nửa phần nước và nửa phần rượu, chắt lấy nước và thêm 30g đường trắng vào trộn đều, uống.

Cơm cháy 5Cây Cơm cháy có bài thuốc chữa đau nhức xương khớp do phong thấp

Lưu ý

Nên dùng theo liều lượng quy định. Cây cơm cháy có chứa độc tính, sử dụng quá liều có thể gây nôn mửa, tiêu chảy, tiểu quá nhiều, buồn nôn, chóng mặt…

Dược liệu chứa độc tính có thể gây tổn thương dạ dày, vì vậy cần tránh sử dụng cho người bị viêm loét dạ dày – tá tràng.

Thận trọng khi sử dụng bài thuốc uống cho phụ nữ mang thai và người đang cho con bú.

Cây thuốc mọi có tác dụng tăng cường miễn dịch, vì vậy cần cân nhắc trước khi sử dụng trong quá trình điều trị các bệnh lý tự miễn như viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ hệ thống,…

Quả tươi của cây thuốc mọi chứa chất độc cyanua, có thể gây nôn ói và tiêu chảy. Vì vậy cần phơi khô, sắc hoặc ngâm rượu để giảm độc tính của thảo dược.

Vị thuốc cây cơm cháy có thể gây dị ứng ở một số người có cơ địa nhạy cảm. Nếu nhận thấy các triệu chứng bất thường, bạn nên ngưng áp dụng bài thuốc từ dược liệu này.

Tránh sử dụng đồng thời dược liệu với các thuốc tác động đến hệ miễn dịch, lithium, các thuốc chuyển hóa ở gan như ketoconazole, lovastatin, fexofenadine, itraconazole…