Những loại rau củ quả này bình thường sẽ không có vị đắng. Khi vị đắng xuất hiện tức là chúng có chứa chất độc hại.
Quả mướp
Mướp là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao. Nó chứa nhiều vitamin A, B, C, E, K cùng các loại khoáng chất như mangan, đồng, kali, sắt, kẽm, magie…
Thường xuyên ăn mướp giúp tăng cường sức khỏe của tim mạch, tốt cho mắt, ngừa tiểu đường, thiếu máu, đau cơ, giảm viêm khớp.
Tuy nhiên, nếu thấy mướp có vị đắng, bạn nên vứt chúng ngay. Mướp bị đắng có thể là do môi trường sống bị hạn hán, nhiệt độ cao kéo dài, không đủ ánh sáng mặt trời hoặc bị bón quá nhiều phân đạm. Cây mướp bị côn trùng gây hại tấn công cũng sinh ra vị đắng.
Thành phần gây đắng cho mướp chính là saponin. Chất này có khả năng làm tan máu, gây tổn thương hồng cầu, gây kích ứng đường tiêu hóa, làm phù nề niêm mạc dạ dày, gây tắc nghẽn, chảy máu.
Khi thấy mướp và bầu có vị đắng, bạn không nên ăn tiếp.
Quả bầu
Bầu cũng là loại quả có giá trị dinh dưỡng cao, lượng calo thấp, giàu chất xơ, nhiều vitamin C, kali, magie, canxi… Thường xuyên ăn các món chế biến từ bầu mang lại nhiều lợi ích cho hệ tiêu hóa, giúp kiểm soát huyết áp, có lợi cho gan…
Lưu ý, nếu bầu xuất hiện vị đắng, bạn không nên ăn tiếp. Bầu đắng không chỉ ảnh hưởng đến hương vị mà còn không tốt cho sức khỏe.
Cây bầu có thể sinh ra chất cucurbitacin tạo ra vị đắng. Đây là cơ chế phòng vệ chống lại động vật ăn cỏ.
Nạp nhiều chất cucurbitacin vào cơ thể có thể dẫn tới tình trạng hạ huyết áp, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, nôn rau máu, đại tiện ra máu, sốc, nguy hiểm tới tính mạng.
Các triệu chứng ngộ độc do ăn phải bầu có chứa chất cucurbitacin có thể xuất hiện trong vòng một vài giờ sau khi ăn.
Dưa gang
Dưa gang có hàm lượng đường thấp, nhiều nước và chất xơ. Loại trái cây này còn cung cấp nhiều vitamin A, C, kali, folate, selenium, choline… Dưa dang có tác dụng giải nhiệt cơ thể, giải độc rượu, giúp giảm cân, lợi tiểu, làm đẹp da.
Dưa gang vốn là loại cây thuộc họ bầu bí vì vậy nó cũng có thể sản sinh ra chất cucurbitacin và xuất hiện vị đắng khi dưa chưa chín hoặc do cơ chế phòng vệ. Chất cucurbitacin gây ảnh hưởng lướn đến hệ tiêu hóa. Ở lượng lớn, nó có thể dẫn tới nhiều vấn đề nghiêm trọng đối với sức khỏe.
Khoai tây
Khoai tây chứa nhiều chất xơ, tinh bột, vitamin, khoáng chất giúp kiểm soát lượng đường trong máu, cải thiện tiêu hóa, tốt cho mắt… Tuy nhiên, nếu thấy khoai tây chuyển sang màu xanh, có vị đắng thì không nên ăn.
Khoai tây xuất hiện màu xanh là do chất diệp lục. Vị đắng của khoai tây là do chất solanine gây ra. Solanine thường có hàm lượng thấp ở vỏ và thịt của khoai tây nhưng có hàm lượng cao ở các bộ phận khác của cây. Khi củ khoai tây bị hỏng hoặc tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời, lượng solanine sẽ được sản sinh ra nhiều hơn.
Nạp một lượng lớn solanine vào cơ thể sẽ gây ra các triệu chứng ngộ độc như sốt, đau đầu, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, thở chậm, mạch chậm, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng (mặc dù trường hợp nguy kịch này hiếm khi xảy ra).
Đại học Nebraska cho biết, với lượng solanine bình thường trong vỏ khoai tây, chúng ta phải ăn tới 9kg khoai tây cùng lúc mới có thể dẫn tới ngộ độc. Tuy nhiên, nếu khoai tây tiếp xúc với ánh sáng, lượng solanine có thể tăng lên 10 lần. Điều này đồng nghĩ với việc ăn 1kg khoai tây cũng dẫn tới nguy hiểm.
Hạnh nhân đắng
Không phải ai cũng biết hạnh nhân được chia thành hai loại là hạnh nhân ngọt và hạnh nhân đắng. Hạnh nhân ngọt được sử dụng làm thực phẩm trong khi đó hạnh nhân đắng lại là thứ không ăn được.
Loại hạnh nhân này chứa độc tố glycoside amygdalin gây ra vị đắng. Khi ăn vào, chất độc được phân hủy thành nhiều hợp chất, trong đó có hydro xyanua – một hợp chất độc hại có thể gây tử vong.
Nghiên cứu cho thấy ăn 6-10 quả hạnh nhân đắng sống có thể gây ngộ độc ở người trưởng thành. Ăn 50 quả trở lên sẽ gây nguy hiểm tính mạng. Với trẻ nhỏ, số lượng hạnh nhân đắng dẫn tới ngộ độc sẽ ít hơn nhưng tác hại tương tự.
Theo: giaitri.thoibaovhnt.com.vn
Link bài gốc https://giaitri.thoibaovhnt.com.vn/an-5-loai-rau-cu-qua-nay-thay-co-vi-dang-tuyet-doi-khong-duoc-dung-tiep-bo-ngay-keo-ngo-doc-881134.html